Giáo Dục.

Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta…

Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta…

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta…. Các bài văn mẫu được tổng hợp từ các bài viết hay, xuất sắc của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Dàn ý Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta…

Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta…

1. Mở Bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Cách nhìn đời, nhìn người và đánh giá con người của tác giả Nam Cao được thể hiện qua câu nói.

2. Thân Bài

a. Giải thích vấn đề nghị luận

– Giải thích từ ngữ khó

+ “cố tìm mà hiểu họ”

+ “chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…

– Giải thích nội dung câu nói: Thể hiện quan niệm của tác giả Nam Cao về cách nhìn người, thấu hiểu và đánh giá con người.

b. Bàn luận, chứng minh vấn đề nghị luận

– Trong tác phẩm “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao đã xây dựng các nhân vật để thể hiện quan niệm trên:

+ Lão Hạc: Lừa bán Cậu Vàng để duy trì tài sản cho con trai, sau đó vì mặc cảm tội lỗi nên đã xin bả chó để tự vẫn, nhưng ban đầu ông giáo và mọi người đều hiểu nhầm lão Hạc xin bả chó để tiếp tục duy trì cuộc sống.

+ Vợ ông giáo: Gắt gỏng trước thái độ giúp đỡ của ông giáo dành cho lão Hạc và luôn nhìn lão Hạc là một người gàn dở.

Xem Thêm : Trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lòng tốt trong cuộc sống hôm nay ngắn gọn, hay nhất

– Trong thực tế cuộc sống hằng ngày:

+ Sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu là một trong những đức tính quý báu và cần thiết đối với cuộc sống của con người.

+ Khi thấu hiểu người khác, chúng ta sẽ nhìn thấy những điều tốt đẹp của người khác và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.

+ Nếu sống thiếu đi sự thấu hiểu, con người sẽ chỉ nhìn thấy những điều tầm thường và xấu xa và sống trong sự lạnh lùng, tàn nhẫn.

c. Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức được ý nghĩa của việc đánh giá người khác bằng sự thấu hiểu, cảm thông.

– Luôn đánh giá người khác bằng đôi mắt của tình yêu thương và lòng nhân ái.

– Lên án, phê phán cách nhìn đời, nhìn người một cách phiến diện cùng những hành động tàn nhẫn, lạnh lùng trong cách hành xử giữa người với người.

3. Kết Bài

Đánh giá tính đúng đắn và bài học triết lí trong câu nói của nhà văn Nam Cao.

Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta… – Bài mẫu 1

Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta... | 900 bài Văn mẫu 8 hay nhất (ảnh 2)

     Mối quan hệ giữa người với người luôn được thiết lập và tạo dựng dựa trên cách nhìn nhận, đánh giá về người khác. Như vậy, cách nhìn đời, nhìn người luôn có tầm ảnh hưởng quan trọng và chi phối những hành động giữa người với người. Bàn về vấn đề này, nhà văn Nam Cao từng bộc bạch quan điểm của mình qua dòng độc thoại của nhân vật ông giáo trong tác phẩm “Lão Hạc”: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”.

     Như chúng ta đã biết, “cố tìm mà hiểu” là hành động thể hiện việc con người biết thấu hiểu, đồng cảm trước những hành động, thậm chí là cảm thông trước những sai lầm của người khác để phát hiện ra những điều tốt đẹp, những vẻ đẹp vốn bị cuộc sống bon chen, toan tính thường ngày che lấp; còn “chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…” là kết quả của hành vi đánh giá con người một theo bề nổi một cách phiến diện. Như vậy, câu nói của nhà văn Nam Cao đã thể hiện một bài học mang tính triết lý và có ý nghĩa giáo dục về cách nhìn đời, nhìn người và đánh giá người khác bằng đôi mắt của tình thương, lòng nhân ái và thái độ thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm, quan tâm để phát hiện ra những vẻ đẹp ẩn chứa trong tâm hồn con người.

     Trong tác phẩm “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao đã xây dựng các nhân vật trong các điểm nhìn tâm lí để thể hiện quan điểm mang ý nghĩa triết lí nhân sinh. Lão Hạc vốn là một người cố nông nghèo, vì để giữ lại mảnh vườn và căn nhà, lão đã lừa bán Cậu Vàng – con chó do người con trai để lại trước khi đi phu đồn điền cao su. Mặc cảm tội lỗi đã khiến cho lão Hạc quyết định xin bả chó của Binh Tư để tự tử. Tuy nhiên, hành động của lão khiến cho Binh Tư hả hê cho rằng người lương thiện như lão “cũng chẳng vừa đâu”; thậm chí đến ông giáo cũng hoài nghi và buồn bã cho rằng lão Hạc đã bị tha hóa. Đặc biệt, trong tác phẩm, nhân vật vợ ông giáo là người luôn có cái nhìn không tích cực về lão Hạc, thị luôn cho rằng lão Hạc là người gàn dở và không hề mong muốn ông giáo qua lại, tiếp xúc với lão. Chính ông giáo cũng đã từng bộc bạch về điều này: “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.” Như vậy, ngay trong những trang văn về cuộc đời của nhân vật lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã thể hiện quan điểm của mình về vai trò của sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia khi nhìn nhận và đánh giá con người.

Xem Thêm : Bài 16. Hô hấp tế bào (ngắn nhất)

     Trong thực tế đời sống, sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu là một trong những đức tính quý báu và cần thiết đối với cuộc sống của con người. Khi “cố tìm mà hiểu” – hiểu thấu người khác, chúng ta sẽ tìm thấy những vẻ đẹp trong tâm hồn người khác; đồng thời tránh được cái nhìn phiến diện một chiều và tìm ra vẻ đẹp tiềm ẩn đằng sau những điều tưởng chừng vô cùng xấu xa như “gàn dở, ngu ngốc, bần tiện”. Đây cũng chính là cơ sở để xây dựng tình yêu thương và xác lập, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Ngược lại, khi không biết thấu hiểu, đồng cảm và nhìn nhận con người qua một mặt của vấn đề, những gì mà chúng ta nhìn thấy qua đôi mắt chỉ là những điều tầm thường và xấu xa, dẫn đến việc sống trong sự lạnh lùng, tàn nhẫn. Video mang tên “Người ăn xin và ông chủ cửa hàng” được chia sẻ rộng rãi trong thế giới cộng đồng mạng cũng là một trong những minh chứng thể hiện rõ điều này. Trong bộ phim, khi mở cửa tiệm mỗi ngày và nhìn thấy người ăn xin với bộ dạng điên khùng và rách rưới, ông chủ cửa hàng đã dùng những lời lẽ, hành động xúc phạm, tàn nhẫn, lạnh lùng xua đuổi. Mặc dù rất sợ hãi nhưng ở những buổi sáng hôm sau, người ăn xin vẫn ngủ trước cửa tiệm của ông chủ đó; và rồi những hành động đuổi đánh của ông vẫn tái diễn, dù cho con gái và người chủ của hàng bên cạnh tỏ ý không đồng tình. Tuy nhiên, đến một ngày nọ, ông không còn nhìn thấy người ăn xin xuất hiện. Khi xem lại những hình ảnh trích xuất từ camera, ông mới cay đắng nhận ra vào mỗi tối, anh ta là người đã xua đuổi những kẻ có hành vi xấu trước cửa tiệm của mình, thậm chí dũng cảm đánh đuổi hai tên trộm muốn đột nhập vào cửa hàng của ông. Lúc này, ông hoàn toàn ân hận về những suy nghĩ, hành động của bản thân nhưng đã muộn màng. Câu chuyện trên đã thể hiện rõ bài học sâu sắc về vấn đề nhìn nhận và đánh giá con người.

     Như vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của thái độ sống đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia trong tình yêu thương và sự nhân ái. Đồng thời, khi nhìn nhận, dùng quan điểm đa chiều, biết phân biệt phải – trái, đúng – sai trong cách đánh giá người khác để nhìn thấy những điểm tích cực cùng những điều tốt đẹp trong phẩm chất của mỗi một con người. Từ đó, biết lên án, phê phán cách nhìn đời, nhìn người một cách phiến diện cùng những hành động tàn nhẫn, lạnh lùng trong cách hành xử giữa người với người.

     Nói tóm lại, quan niệm của nhà văn Nam Cao đã thể hiện một bài học có tính triết lí và ẩn chứa một bài học nhân sinh sâu sắc về đôi mắt nhìn đời, nhìn người và thái độ đánh giá đối với người khác. Đó là cách nhìn tràn đầy tình yêu thương và lòng nhân đạo qua sự thấu hiểu, sẻ chia để khám phá, phát hiện những vẻ đẹp của con người.

Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta… – Bài mẫu 2

Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta... | 900 bài Văn mẫu 8 hay nhất (ảnh 3)

     Cuộc sống của chúng ta muôn màu muôn vẻ, nào đâu chỉ có trắng và đen mà còn có rất nhiều màu sắc khác nhau. Những màu sắc đó khiến cho cuộc sống vừa phong phú, đa dạng nhưng đồng thời cũng khiến nó trở nên phức tạp, khó nắm bắt đặc biệt là đối với mỗi con người. Bởi vậy mà Nam Cao đã từng đúc kết lại trong tác phẩm Lão Hạc của mình bằng một câu văn thấm đẫm chất triết lí: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi … toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương”.

    Lão Hạc là một trong những truyện ngắn thành công nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về đề tài người nông dân. Các tác phẩm của ông giàu chất triết lí và thường được đặt vào những lời nói, câu thoại của nhân vật. Lời nhận định trên chính là một dẫn chứng điển hình. Câu nói đó được ông giáo – người kể chuyện, người bạn hàng xóm của lão Hạc nói ra sau khi lão Hạc gửi gắm tiền bạc, vườn tược và từ chối sự giúp đỡ của ông giáo sống cuộc đời khổ sở. Đối với lão Hạc, mỗi nhân vật trong tác phẩm này đều có những nhận xét và đánh giá riêng. Để người đọc từ đó có cái nhìn toàn diện và sâu sắc nhất về nhân vật.

    Trước hết là nhân vật Binh Tư. Binh Tư vốn không được người ta ưa, vì làm nghề ăn trộm chó. Phải chăng trước khi làm cái nghề đó, Binh Tư cũng là người nông dân lương thiện và bị đẩy vào bước đường cùng phải lấy nghề đó mà mưu sinh, sống qua ngày. Khi Binh Tư thấy lão Hạc sang xin bả chó của mình, ngay lập tức anh ta đã nghĩ rằng: “Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tẩm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu: lão vừa xin tôi một ít bả chó” . Nhận xét của Binh Tư đã khiến cho ông giáo bị lạc hưởng, và tưởng rằng một con người lương thiện nhường ấy cũng đi đến bước đường tha hóa. Nhưng khi ông giáo và ngay cả Binh Tư khi chứng kiến cái chết đột ngột, dữ dội của lão Hạc thì họ đã hiểu cả, đã hiểu hết phẩm chất đẹp đẽ của lão Hạc. Cái nhìn của Binh Tư cũng đã thay đổi, không còn là cái nhìn của người “cùng hội cùng thuyền” kinh thường sự tha hóa của lão Hạc, mà là cái nhìn thương cảm, xót xa cho số phận lão.

    Bên cạnh đó lão Hạc còn được soi chiếu dưới con mắt của mụ vợ ông giáo. Vợ ông giáo cũng là một người nông dân nghèo khổ, bị dồn tới bước đường cùng. Khi nghe được những lời tâm tình, mong mỏi giúp đỡ lão Hạc của chồng bà gạt phắt ngay đi: “Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ? Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói…”. Nhìn bề ngoài có vẻ lời nói của bà vợ ông giáo là tuyệt tình, không có tình nghĩa, không giúp đỡ người khác. Nhưng ở một góc nhìn khác, ta lại thấu hiểu và cảm thông cho mụ. Thiên tính là một phụ nữ, tất yếu sẽ phải chăm sóc, vun vén cho gia đình, bởi vậy khi con của mụ vẫn còn đói, cuộc sống gia đình vẫn còn khổ cực bà không còn thể suy nghĩ cho người khác. Tấm lòng bao dung bị cái đói, cái nghèo che khuất mất, đúng như ông giáo đã nói: “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất” . Cũng bởi vậy ta không thể trách hoàn toàn người vợ của ông giáo là vô tâm, ích kỉ, không thấu hiểu cho những suy nghĩ của lão Hạc. Mà hơn nữa lão Hạc lại là người có đời sống nội tâm phong phú, phức tạp nên việc mụ vợ ông giáo không hiểu hết con người lão là hoàn toàn dể hiểu.

    Nhưng để có thể làm nổi bật toàn bộ vẻ đẹp nhân cách của lão Hạc, Nam Cao đã cho người đọc cảm nhận qua cái nhìn của ông giáo. Ông giáo là người bạn, luôn bên cạnh đồng hành cùng lão Hạc, phải chẳng ông giáo là người thấu hiểu lão nhất. Lớp lang câu chuyện dần dần hé mở giúp bạn đọc hiểu rõ toàn bộ câu chuyện.

    Ban đầu ông giáo cho lão Hạc chỉ là một ông già lẩm cẩm, đối với một con chó lại lưu luyến quá mức. Những lần lão Hạc thông báo với ông giáo sẽ bán con chó, mặt ông vờ như là chú tâm, nhưng thực tế “lòng tôi rất dửng dửng” vì đã nghe câu ấy quá nhiều lần, bởi chẳng bao giờ lão Hạc sẽ bán đi cậu Vàng. Và phũ phàng hơn ông giáo còn cho rằng: “Và lại, có bán thật nữ thì sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế”. Và lão quý con vàng chắc gì đã “thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi” . Nhưng để rồi sau đó nghe những lời bộc bạch, tâm tình của lão Hạc thì ông giáo đã hiểu, thì ra cậu Vàng không đơn thuần chỉ là một con chó, mà nó còn là kỉ vật do con trai lão để lại, là người bạn để lão giải khuây khi buồn, khi nhớ con.

    Hành trình tìm hiểu bản chất con người lão Hạc tiêp tục khi ông giáo nhận được thông báo lão Hạc đã bán cậu Vàng. Lão cố làm ra vẻ vui mừng, nhưng kì thực lão cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, và khi không thể kìm nén cảm xúc nữa, lão bưng mặt khóc như một đứa trẻ. Ông giáo thực sự thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của lão. Từng bước một ông giáo ngày càng hiểu hơn con người đáng kính trọng này. Nghe những lời tâm sự của lão Hạc, giao lại mảnh vườn nhờ ông giáo giữ hộ cho con, đưa tiền cho ông giáo để làm ma chay không phiền lụy hàng xóm. Ông mới cảm nhận được hết tình mẫu tử thiêng liêng và lòng tự trong sâu sắc trong con người lão Hạc. Có lẽ làm bạn với nhau lâu năm, nhưng phải đến giờ phút này ông giáo mới hiểu được con người lão Hạc.

    Phần cuối truyện có những bước ngoặt lớn trong quá trình tìm hiểu lão Hạc. Khi ông giáo hay tin lão Hạc xin bả chó, ông giáo đau đớn, bởi đến bước đường cùng “lão cũng có thể làm liều như ai hết” và “cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn” . Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn, dữ dội của lão Hạc, ông giáo đã hiểu ra mọi chuyện: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Cái chết của lão Hạc đau đớn, vật vã, dữ dội đã giúp ông giáo cũng như toàn thể người đọc hiểu rõ phẩm chất trong sạch, nhân cách cao đẹp của lão Hạc

    Quả thực, cuộc đời này vốn lắm đa đoan, phức tạp. Để thấu hiểu và cảm thông cho mỗi số phận, hoàn cảnh cần có cái nhìn linh hoạt, toàn diện. Lời triết lí của Nam Cao tuy ngắn gọn nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc cho muôn đời, muôn thế hệ sau trong cách hành xử, đánh giá mọi sự việc, mọi vấn đề trong cuộc sống.

Tham khảo thêm: Số phận Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc

—/—

Như vậy là Top lời giải đã vừa cung cấp những gợi ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Em hiểu thế nào về câu nói: Chao ôi, đối với những người sống quanh ta… để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

Nguồn: https://xettuyentrungcap.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button